Phong Cách Làm Việc Của Bác

CNQP&KT - Nét đặc trưng tiêu biểu trong phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể; đã làm việc là hết sức nghiêm túc, tới nơi, tới chốn…

Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lề lối, cách thức làm việc của một lãnh tụ chính trị thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, đồng thời cũng là phong cách làm việc của một nhà lãnh đạo, quản lý mẫu mực, một “công bộc” của nhân dân.

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh được thể hiện trước hết là: Trong giải quyết các công việc, dù ở đâu, bất kỳ trong điều kiện hoàn cảnh nào và với đối tượng nào, Người đều có chương trình, kế hoạch, mục đích rõ ràng; làm việc hầu như không có thời gian nghỉ, làm việc với lòng nhiệt tình cách mạng vì nước, vì dân. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ: Kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai, ba mươi, muốn lãnh đạo đúng thì “phải tổ chức sự thi hành cho đúng”1. Nếu chương trình kế hoạch có hay đến mấy, nhưng tổ chức thi hành không đúng, thiếu biện pháp thích hợp, bản thân mình thiếu quyết tâm hoặc không biến quyết tâm của lãnh đạo thành quyết tâm của quần chúng, thì mọi chương trình, kế hoạch đều không trở thành hiện thực. Người phê phán một số cán bộ lãnh đạo: “Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó.Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để”2.

Bạn đang xem: Phong cách làm việc của bác

*

Bác Hồ thăm cán bộ, chiến sĩ Hải quân bảo vệ bờ biển vùng Đông Bắc của Tổ quốc (năm 1959). Ảnh: TL

Những năm tháng đi tìm đường cứu nước, dù ở đâu, làm bất cứ công việc gì, Bác đều tranh thủ thời gian để tự học nâng cao kiến thức. Cần học chữ nào, Người viết lên cánh tay, vừa đi, vừa xem, đến cuối ngày chữ mờ dần cũng là lúc Người đã nhớ được hết. Khi đã trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh đã định hình được tác phong khoa học trong công tác, trong lãnh đạo. Người chỉ rõ: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế nào, kết quả sẽ ra sao?Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều, chớ gặp sao làm vậy”3 và “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”4. Khi ra các quyết định phải có thông tin đầy đủ và bảo đảm có phương án thực thi hiệu quả, không chủ quan duy ý chí, phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, không bóp méo sự thật, làm việc với tầm nhìn xa, trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan để tránh bị động, bất ngờ và tránh sa vào công việc mang tính sự vụ thiển cận. Người đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc “Bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ… Những người như vậy, chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn”1.

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh còn là sự sâu sát kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng, đồng thời thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm. Người lưu ý: “Nhiều nơi cán bộ chỉ lo khai hội và thảo nghị quyết, đánh điện và gửi chỉ thị, sau đó, thì họ không biết gì đến nghị quyết đó đã thực hành đến đâu, có những sự khó khăn trở ngại gì, dân chúng có ra sức tham gia hay không. Họ quên mất kiểm tra.Đó là một sai lầm rất to.Vì thế mà “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị” mà công việc vẫn không chạy”2. Đồng thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề tổng kết thực tiễn để rút kinh nghiệm từng việc, từng chủ trương, thấy rõ hay dở, đúng sai; từ đó bổ sung kịp thời những chủ trương chưa đúng, chưa đủ và quan trọng hơn là rút ra những kết luận mới để bổ sung cho lý luận. Người căn dặn: “Sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm. Kinh nghiệm riêng từng cán bộ, từng địa phương. Kinh nghiệm chung tất cả cán bộ và địa phương. Kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rồi tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm ấy cho khắp tất cả cán bộ, tất cả địa phương. Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”3.

Phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh đối lập hoàn toàn và xa lạ với lề lối làm việc mang nặng cảm tính chủ quan, không quan tâm đến chất lượng, hiệu quả công việc, làm việc một cách tự do, tùy tiện, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu kế hoạch; thiếu ngăn nắp, chậm chạp, không coi trọng thời gian, lãng phí sức người, sức của, làm việc thiếu tầm nhìn xa, trông rộng... Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, “Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng”4. Về phần mình, để nắm tình hình, Người không chỉ dựa vào bộ máy giúp việc, mà còn trực tiếp đi xuống cơ sở. Người lên án mọi thói che đậy, bưng bít sự thật, cho đó là dối trá với dân, “dối trá với Đảng, có tội với Đảng”5.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã tích cực, chủ động tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân phong cách làm việc khoa học. Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và quần chúng ở các đơn vị Quân đội ngày càng đề cao trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; tích cực, chủ động trong học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Bác.

Tuy nhiên, việc học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở một số cơ quan, đơn vị thời gian qua vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định, như: “Một số cán bộ, đảng viên và quần chúng trong Quân đội còn nóng vội, cảm tính trong xử lý công việc, chưa coi trọng tính nguyên tắc, tính khoa học trong công việc nên hiệu quả công tác chưa cao. Còn hiện tượng đi muộn về sớm, làm không đến nơi, đến chốn, đối phó với kiểm tra của trên, chưa thống nhất giữa lời nói và việc làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo…”6. Vì vậy, việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có phong cách làm việc khoa học của Bác, là hết sức cần thiết. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Quân đội cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo phong cách làm việc khoa học của Bác. Nội dung giáo dục phải toàn diện, trong đó, coi trọng giáo dục về phương pháp tác phong công tác, cách thức làm việc khoa học; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải chú trọng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế; phù hợp với khả năng thực hiện của cán bộ, chiến sĩ. Không đặt ra kế hoạch thiếu tính thực tế, thiếu cơ sở khoa học và không có tính khả thi.

Thứ ba, thực hiện tốt các đợt sinh hoạt chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa”. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tác phong làm việc khoa học, gương mẫu trong lời nói và việc làm; luôn tận tâm, tận tụy với công việc được giao, biết quý trọng thời gian làm việc.

Thứ tư, kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có cách làm hay trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác.

Phong cách làm việc khoa học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là di sản quý báu, thể hiện phong cách làm việc của một lãnh tụ chính trị thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất, một chiến sĩ cách mạng tiêu biểu và là một “công bộc” của nhân dân. Vì vậy, cần nhân rộng phong cách ấy trong mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong Quân đội nói riêng.

Đại úy ĐINH XUÂN THUẬN

 

* Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tr.325.

2. Sđd, t. 5, tr. 463.

3. Sđd, t.5, tr. 279.

4. Sđd, t.5, tr.307.

5. Sđd, t.5, tr.297 - 298.

Xem thêm: Lụi Tim Với 3 Cách Làm Ô Mai Xí Muội ) Mận Hà Nội Của Thùy Ngân

6. Tổng cục Chính trị, tài liệu học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội.2017,tr.67.